Bài đăng nổi bật

Hoa cúc nhiệt đới - Quà tặng của sự yêu thương, bền vững Tên gọi của loài hoa dễ thương này là Snowy.  Snowy flower là một loại cúc đã đư...

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Haiku 3

Căn gác trọ
Hoa tím
Một chiều thu.

Thái Nguyên, 13/9/2014



Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Haiku 2

Đêm
Lênh láng
Thu rơi

Thái Nguyên, 12/9/2014







Haiku 1

Mưa mùa thu
Ngọt lịm
Xuyến chi bên bờ dậu.
                

 TN, 12/9/2014

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Lớp học nhà kho xóm chợ...

Cả buổi tối. Hì hục giảng cho trò yêu về cái nao nức,hồi hộp, bỡ ngỡ, những kỷ niệm mơn man… Thơ lắm, tinh khôi lắm... Rồi trò thực hành làm nhà văn hồi nhớ lại kỷ niệm đầu tiên ấy...ngày đầu tiên đi học. Cô cũng ngồi vắt óc lật giở từng trang ký ức thời thơ ấu xa  xưa. Và giật mình… Có một khoảng trống... không có ngày đầu tiên đi học! Bàng hoàng, xót xa...
          Không có, không nhớ "một buổi mai sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi đi trên con đường làng dài và hẹp"... Hình như tôi tự đi... và hình như con đường không dài, không có lá thu, không có đám mây bàng bạc và "mấy cành hoa mỉn cười giữa bầu trời quang đãng". Con đường đến lớp của tôi gập ghềnh sỏi đá, mải chạy nhảy, không cẩn thận là vấp tóe máu. Con đường ấy không êm đềm, thơ mộng bởi rất nhiều chó dữ…Ngày nào đi học cũng bị chó đuổi chạy thục mạng. Cho đến bây giờ, vẫn ám ảnh con chó to đùng, to hơn cả tôi thời bấy giờ ở dốc chợ Hanh. Trong một năm học, tôi đã được nó hôn cho mấy lần vào chân, vào mông…. Bị  chó  đuổi là một nỗi kinh hoàng thời thơ ấu.
           Không nhớ ngày đầu tiên nhưng tôi nhớ những ngày thứ tiếp theo không rõ là thứ mấy. Ký ức về năm đầu tiên của phổ thông chỉ còn là những mảnh vun vỡ được chắp nối.
          Xã nghèo lắm! Trường tiểu học không đủ lớp, học sinh lớp 1 phải học tại nhà kho các xóm. Lớp học của tôi là một cái kho lương thực xây từ thời bao cấp. Kho có hai gian sâu hoăm hoẳm, không cửa sổ, trông như lô cốt, một ngăn làm lớp học, một ngăn làm nhà vệ sinh… Lớp học kê vài bộ bàn ghế xiêu vẹo, cái thì gãy chân phải kê gạch, cái thì mặt bàn có những lỗ thủng bằng bàn tay (nhưng thời đó chưa biết lợi dụng để quay cóp). Còn cái bảng của lớp học tuổi thơ đã đi vào miền nhớ là một tấm gỗ lớn được ghép lại từ những mảnh gỗ nhỏ, rồi sơn đen, có hai chân dựa vào tường. Để có thể nhìn thấy chữ của cô, ngày nào lũ chúng tôi cũng phải mang theo than và chuối non hoặc lá khoai lang để đánh bảng. Cái mùi khai khai của than pin Con thỏ, cái vị nồng nồng của lá khoai lang dần trở thành hương vị đặc trưng của tuổi học trò.
          Lớp học chỉ có hơn chục học sinh. Đứa nào cũng lem luốc, trừ mấy đứa ở khu phố chợ. Trong số đó, chỉ có mấy đứa trở thành thân thiết, còn lại không nhớ nữa, vô tình gặp thì chỉ thoáng chút hình như…
          Hồi đó, lớp trưởng rất to. Y như ông tướng của lớp. ai cũng sợ. Lớp trưởng nhà cạnh lớp học nhà kho xóm chợ. Rất oai, hách dịch. Ngày nào đến lớp cũng vác theo cái thước gỗ dài gần bằng hắn. Hắn tự tạo ra một luật bất thành văn, ai đến lớp sau hắn, sẽ không được vào lớp hoặc bị đánh. Tôi đã từng đánh nhau với hắn. Kết quả, tôi phải đứng góc lớp nhưng hắn thì không (có lẽ cô giáo thiên vị). Tôi ghét hắn nhưng thích cây dâm bụt hoa đỏ chói và cây dâu chín mọng quả ở sân giếng nhà hắn. Tôi đã từng rất thèm khát và ước nhà mình có những thứ đó….
          Lớp một, là cả một khung trời của mơ ước. Hồi đó tôi không ước xinh đẹp, chưa nghĩ đến học giỏi hay học dốt. Tôi ước những thứ như bao đứa trẻ cùng lứa tuổi. Chúng tôi, mỗi lần được mua một quyển vở hay một cái bút là hạnh phúc lắm lắm. Không phải vì có vở mới để viết bài mà vì thích những hình ở bìa vở. Tôi đã từng ước mua được quyển vở có hình bốn thầy trò đường tăng trong phim Tây Du Ký hay hình nàng tiên cá xinh đẹp mà thời đó tôi tin là có thật…. Ngày đó, với chúng tôi, những viên kẹo bột xanh xanh đỏ đỏ, có rắc đường bên ngoài là nỗi thèm khát lớn lao, không chỉ thích kẹo mà còn vì cái que nhựa hình thù các nhân vật trong phim hoạt hình hay phim Tây Du Ký…

          Lớp một với bao bỡ ngỡ, biết bao ước mơ “lớn lao” và rất nhiều niềm tin có thật. Nhớ một số đứa trong số những đứa trẻ nghèo nơi xóm chợ. 20 năm…một khoảng trống đong đầy!

                                                                                                Thái Nguyên, 20/8/2014.