Bài đăng nổi bật

Hoa cúc nhiệt đới - Quà tặng của sự yêu thương, bền vững Tên gọi của loài hoa dễ thương này là Snowy.  Snowy flower là một loại cúc đã đư...

Hiển thị các bài đăng có nhãn mộ xuân tức sự. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn mộ xuân tức sự. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

VỀ MỘT TIẾT XUÂN MUỘN TRONG THƠ NGUYỄN TRÃI

Về một tiết xuân muộn trong thơ Nguyễn Trãi
     Xuân- thi liệu của thơ ca muôn đời. Đã có biết bao mùa xuân của nhân loại hiện hình trong những trang văn, thơ. Mỗi mùa xuân, mỗi màu sắc, hương vị. Trong tâm thức của người Á Đông, mùa xuân “Dương trưởng”, vạn vật sinh sôi, phát triển, trăm hoa đua nở, khí trời ấm áp. Trong cảm nhận chung, xuân là mùa của niềm vui. Xuân thường mang đến tâm trạng hồ hởi, háo hức, hi vọng. Nhưng hơn năm trăm trước, vào một tiết xuân thời như thế có một trái tim cô đơn trĩu nặng nỗi niềm.
Mộ xuân tức sự
Nhàn trung tận nhật bế thư trai,
Môn ngoại toàn vô tục khách lai.
Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão,
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.

(Nguồn: Internet)
Tức cảnh cuối xuân
Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn,
Khách tục không ai bén mảng gần.
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn,
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.
(Khương Hữu Dụng, dịch).
          Mộ xuân tức sự được Nguyễn Trãi sáng tác theo lối “tức sự’, “tức cảnh”. Trong thơ có tiếng quốc da diết, hoa nở đầy sân, có mưa bụi lất phất… rất mực nên thơ và trong sạch. Cảnh đó đủ để làm nên một mùa xuân đẹp dù xuân đã đi đến những ngày cuối. Tuy nhiên, chớ dựa vào vài điểm xuyết của cảnh vật mà vội vàng luận bài thơ thuần túy tả cảnh. Trong thơ ca trung đại nói chung, thơ ca Nguyễn Trãi nói riêng, thiên nhiên chưa xuất hiện với vai trò khách thể tách biệt mà vẫn chỉ là cái cớ, cái nền, là tấm gương phản ánh tâm sự của nhân vật trữ tình. Ẩn sâu trong khung cảnh nên thơ, trầm tĩnh ấy là một trái tim cô độc, tấm lòng day dứt khôn nguôi.
          Tìm hiểu Mộ xuân tức sự, phải đặt trong dòng mạch nội dung tư tưởng thơ Nguyễn Trãi cũng như cuộc đời đầy rãy những bi kịch và mâu thuẫn của ông. Có thể khẳng định Mộ xuân tức sự nằm trong hệ thống thơ “nhàn” Nguyễn Trãi, hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ xuất hiện với hai tư thế, hai con người dường như mâu thuẫn: Tư thế của một nhà nho ẩn dật tận hưởng thú thanh nhàn và tư thế của một nhà nho hành đạo đang day dứt khôn nguôi giữa hai bề xuất – xử, hành – tàng. Và ở Nguyễn Trãi, những mâu thuẫn này chưa được giải quyết. đó là căn nguyên dẫn đến những tấn bi kịch tinh thần của bậc trí thức vĩ đại.
          Cuộc sống nhàn dật được Nguyễn Trãi bao bọc, gìn giữ trong không gian thanh sạch tuyệt đối “Giũ không thay thảy tấm hồng trần”:
Nhàn trung tận nhật bế thư trai,
Môn ngoại toàn vô tục khách lai.
          Một cách cửa vô hình, kiên cố được thi nhân dựng lên, khép lại kỹ càng tách biệt hai không gian: Trong - ngoài, “thư trai – môn ngoại”. Đây là kiểu không gian thường gặp trong hầu hết thơ “nhàn” Nguyễn Trãi. Không gian bên trong là cuộc sống “nhàn” thanh cao với những thú văn thơ tao nhã chỉ dành cho bậc tao nhân; không gian bên ngoài là thế sự cuộc đời xô bồ, nhiễu nhương với đầy rẫy những “khách tục” vãng lai. Giữa hai đối cực không gian không dung hợp ấy, người thi nhân và người trí thức Nguyễn Trãi chật vật bước tới, bước lui như một tấn bi kịch tinh thần, bi kịch cuộc đời. Là một trí thức, Nguyễn Trãi nung nấu tư tưởng chính trị mang màu sắc lý tưởng “nhân nghĩa thắng hung tàn” của Nho giáo khởi nguyên nhưng khi bước vào thực tế, lý tưởng ấy vấp phải bức tường thành quân chủ chuyên chế tập quyền, để từ đó thất vọng thốt lên “Ai ai đều đã bằng nhau hết; nước chẳng còn có Sử Ngư” (Quốc âm thi tập – Bài 36) ; thất vọng Nguyễn Trãi tìm về cuộc sống nhàn dật như một giải pháp an ủi trái tim cô đơn. Ông chủ động “Khép phòng văn”, chủ động “xuất thế”, từ bỏ sự giao lưu với thế tục, cuộc đời, hướng đến cuộc sống nhàn sạch di dưỡng, bảo toàn phẩm tiết, “độc thiện kì thân”.
                                      Nhàn trung tận nhật bế thư trai
          Dắp tâm lựa chọn lối ứng xử “nhàn”, từ bỏ mọi toan tính thế tục để làm bạn với thơ văn nhưng trong trái tim của người ẩn sĩ Nguyễn Trãi vẫn khôn nguôi day dứt, trăn trở về nhân sinh thế sự. Có lẽ đây là nhân duyên không thể dứt của bậc “tư văn sinh đất Việt” ấy. Khép phòng văn, ẩn dật nhưng những thanh âm cuộc đời vẫn vang vọng thôi thúc.
                                      Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão
          Câu thơ không đơn thuần tả cảnh xuân muộn. Tiếng quốc gợi nhắc đến nỗi thương nước nhớ nhà. Nguyễn Trãi mượn điển tích vua nhà Thục để nói lên tấm lòng nhớ nước thương dân của mình. Tiếng quốc kêu mải miết trong tiết xuân tàn có nét phảng phất cuộc đời bi kịch của bậc cô trung Nguyễn Trãi. Vậy là ý trí dắp “bế thư trai” - từ giã toan tính thế sự để làm một nhàn nhân, dật sĩ nhưng trái tim Nguyễn Trãi vẫn thường trực một nỗi niềm cháy bỏng dành cho dân cho nước. Từ đó có thể thấy rằng, tư tưởng nhàn dật chỉ là ước vọng trỗi dậy trong những cơn bĩ cực còn cuộc đời ông, lý tưởng ông luôn hướng về đất nước. Đây chính là tấm lòng đáng trọng của bậc vĩ nhân nhưng nó cũng chính là căn nguyên dẫn đến những mâu thuẫn, những bi kịch triền miên suốt cuộc đời ông.
          Dù tấm lòng ưu ái dành cho dân cho nước vẫn Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông nhưng Nguyễn Trãi cũng ý thức sâu sắc: “Xuân hướng lão” – “Xuân đã muộn” rồi. Tấm lòng, nhiệt huyết Nguyễn Trãi dành cho dân cho nước không còn được trọng dụng nữa. Bài thơ được viết vào giai đoạn Nguyễn Trãi không được tin dùng buộc phải trở về Côn Sơn quy ẩn giữ gìn phẩm tiết. Thế cục xã hội cũng như cuộc đời ông lúc này giống như một mùa xuân muộn màng. Tứ thơ mang âm hưởng buồn thương, day dứt, tiếc nuối:
                             Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.
          Nguyễn Trãi tức cảnh một sân nở đầy hoa trong màn mưa bụi. Câu thơ đẹp, cảnh đẹp nhưng buồn, u ám như chính cuộc đời bất hạnh của ông. Tứ thơ Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai có nét tương đồng với: “Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ; trời ban tối ước về đâu” (Quốc âm thi tập – Bài 14). Giữa cuộc đời mênh mông, mịt mù, Nguyễn Trãi ngộ thấy mình tựa cánh hoa xoan mỏng manh trước màn mưa, tựa con “thuyền mọn” giữa sông nước mịt mùng bóng tối mà không biết sẽ về đâu! Sự trăn trở ấy cứ trở đi, trở lại trong thơ và trong chính cuộc đời Nguyễn Trãi mà không có lời đáp.
          Mộ xuân tức sự không đơn thuần là bức tranh mùa xuân đẹp. Ẩn sau tiếng quốc kêu xuân muộn, sau màn mưa bụi và những cánh hoa xoan mỏng manh là bức tranh tâm hồn đầy dãy những phức tạp, những trăn trở và cả những bi kịch tinh thần của bậc đại thi hào dân tộc./.
                                                                           Thái Nguyên, tháng 6/2014
                                                Dương Thị Hoàn - Trung tâm Nghiên cứu – Đào                                                       tạo Ngôn ngữ và Văn hóa dân tộc thiểu số
                                                vùng núi phía Bắc, trường Đại học Khoa học.
Tài liệu tham khảo;
1. Phạm Luận (phiên âm và chú giải) (2012) Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
2. Trần Nho Thìn (2009), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục Việt Nam, Đà Nẵng.


3. Trần Ngọc Vương (1999), Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.